Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2016

LỊCH SỬ TÊN TRƯỜNG

HAI BÀ TRƯNG
Đầu thế kỷ thứ 1, ở huyện Mê Linh có hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị. Hai bà được sinh ra và lớn lên trong cảnh nước mất nhà tan nên hai chị em sớm có lòng căm thù giặc sâu sắc và nuôi ý định đánh đuổi giặc ngoại xâm giải phóng đất nước.

          Trưng Trắc rất có tiết nghĩa, tính khí hùng dũng, có trí quyết đoán sáng suốt. Bà cùng chồng là Thi Sách ( người giàu lòng yêu nước, có chí khí ở huyện Chi Diên ) ngầm liên kết với các thủ lĩnh ở các vùng để chuẩn bị khởi nghĩa.
          Lúc bấy giờ, quan Thái thú ở quận Giao Châu là Tô Định rất tham bạo, gây nhiều khổ sở cho nhân dân. Việc khởi nghĩa của Trưng Trắc cùng chồng bị phát hiện. Hắn ra lệnh bắt giết Thi Sách để làm nhục nhuệ khí dân ta. Trưng Trắc nén đau thương cùng Trưng Nhị đứng ra kêu gọi dân chúng khắp nơi nổi dậy chống quân đô hộ.
          Mùa xuân năm 40, quân Hai Bà tấn công chiếm được Mê Linh. Với khí thế dâng cao đã chiếm được thành Luy Lâu là bản doanh của Tô Định. Tô Định phải chạy về Nam Hải, chính quyền đô hộ của nhà Hán sụp đổ. Trưng Trắc tự xưng Vương lấy hiệu là Trưng Nữ Vương ( hay Trưng Vương )
          Tháng giêng năm 42, vua Hán là Hán Quang Vũ lại sai Mã Viện sang xâm lược nước ta. Hai Bà thấy thế giặc cường thịnh, liệu quân ta không chống nổi, bèn lui quân về vùng Cấm Khê .

          Năm 43 , Mã Viện đã kéo quân bao vây Cấm Khê. Cuộc chiến diễn ra ác liệt, quân của Hai Bà yếu thế dần. Biết không địch nổi quân Hán, Hai Bà nhảy xuống sông Hát tự vẫn. Sau khi Hai Bà mất, nhân dân Âu Lạc đã lập đền thờ ở nhiều nơi như đền Hạ Lôi, đền Hát Môn, đền Đồng Nhân ( Hà Nội ) , đền Phụng Công ( Văn Giang , Hưng Yên ) để tưởng nhớ công ơn Hai Bà .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét